English

Nghiên cứu

Giới thiệu “Một số Kết quả Nghiên cứu về Công nghệ Tế bào Thực vật”

Ngày 27/10/2017, Đại học Duy Tân tổ chức buổi giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về công nghệ tế bào thực vật. TS. Bùi Văn Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp đã trình bày một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trên nhiều loại cây trồng khác nhau.

Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được du nhập vào nước ta từ những năm 1960 tại miền Nam và vào đầu những năm 1970 tại miền Bắc. Đây là một ngành kỹ thuật áp dụng phương pháp nuôi cấy mô hoặc tế bào trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo để tạo ra các mô, cơ quan hay cơ thể hoàn chỉnh. Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật là một trong những công nghệ quan trọng của Công nghệ Sinh học, nó là nền tảng để nghiên cứu và áp dụng các công nghệ khác trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học thực vật. 
 
Giới thiệu “Một số Kết quả Nghiên cứu về Công nghệ Tế bào Thực vật” 
TS. Bùi Văn Thắng trình bày một số kết quả nghiên cứu về công nghệ tế bào thực vật
 
Tại buổi Giới thiệu, TS. Bùi Văn Thắng đã trình bày một số kết quả nghiên cứu thu được khi ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trên một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Hoa đồng tiền, Chuối, Dâu tây,… hay các loài cây dược liệu như: Lan kim tuyến, Lan thạch hộc tía, Ba kích tím, Hà thủ ô đỏ, Đỗ trọng, Đảng sâm. Cây nuôi cấy mô có kích thước đồng đều, phát triển ổn định, ít sâu bệnh và đặc biệt là giá thành rất hợp lý khi bán cho các doanh nghiệp hoặc các hộ nông dân. 

Riêng về nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô - tế bào, Viện đã hoàn thiện được các quy trình nhân giống hàng loạt cho nhiều cây lâm nghiệp như: Bạch đàn, Keo, Xoan ta, Gió bầu, Lõi thọ, Hông, Song mây,… Hiện tại, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân giống các loài cây dược liệu như Đinh lăng, Trà hoa vàng, Khôi tía, Binh vôi,… Đặc biệt, việc tạo giống cây lâm nghiệp mới bằng công nghệ cao đã đem lại kết quả đáng kể trên giống cây Xoan ta tam bội (3n, có hệ gen tăng 1,5 lần). Đây là giống cây lâm nghiệp (cây gỗ) tam bội đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam, có đặc điểm sinh trưởng nhanh, thể tích thân lớn, chất lượng gỗ tốt, chống chịu tốt hơn với điều kiện bất lợi của môi trường nên rất thích hợp với mục tiêu trồng rừng cung cấp gỗ lớn. 
 
Ngoài ra, TS. Thắng còn giới thiệu thêm về quy trình nhân giống và nuôi trồng các loài nấm ăn và nấm dược liệu quý như nấm sò tím, nấm rơm, nấm linh chi đỏ, nấm lim xanh, nấm đông trùng hạ thảo,… và công nghệ phát triển ADN mã vạch trong định danh loài/giống cây trồng có thể ứng dụng trong công tác kiểm lâm. 

Giới thiệu “Một số Kết quả Nghiên cứu về Công nghệ Tế bào Thực vật” 
 Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp nghiên cứu thành công
sản phẩm nấm Đông Trùng Hạ Thảo và cung cấp cho người tiêu dùng
 
TS. Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học Phân tử, Đại học Duy Tân cho biết: “Hiện nay, trên thế giới công nghệ tế bào thực vật đã có những bước phát triển vượt bậc, đây là công nghệ nền cho những ứng dụng sâu rộng trong chọn giống thực vật, kể cả cây biến đổi gene. Công nghệ tế bào thực vật không chỉ đơn thuần là các nghiên cứu nhân giống cây trồng vô tính (in vitro), mà còn có nhiều ứng dụng quan trọng như nuôi cấy tế bào đơn để chiết suất các dược chất có hoạt tính sinh học, hay tạo ra cây chuyển gene mang những đặc tính mới như tăng năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, thuốc diệt cỏ… 

Những kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà có những ứng dụng thực tiễn rất lớn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Hiện tại, Đại học Duy Tân đang gấp rút hoàn thiện đề án đào tạo cử nhân Công nghệ Sinh học, hy vọng qua Hội thảo này sẽ mở ra các hợp tác hiệu quả cũng như chuyển giao công nghệ với Viện Công nghệ Sinh học Lâm Nghiệp trong thời gian đến, tạo điều kiện cho sinh viên Duy Tân có thể tham quan học tập thực tế.”

TS. Bùi Văn Thắng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đại học Duy Tân đã tạo điều kiện tổ chức buổi chia sẻ, giao lưu học thuật đầy ý nghĩa với các cán bộ, giảng viên cùng quan tâm, tạo tiền đề cho các mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Viện Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp và Đại học Duy Tân, cùng hỗ trợ công tác đào tạo chuyên ngành để có thể tạo ra những kết quả nghiên cứu tốt nhất đưa vào ứng dụng trong cuộc sống. 

(Truyền Thông)